X

Sự phát triển thai nhi tuần 22

Sự phát triển thai nhi tuần 22 có những thay đổi như thế nào? Các chỉ số thai nhi 22 tuổi bình thường ra sao? Mẹ bầu mang thai 22 tuần nên ăn gì để tốt cho mẹ và bé? Câu trả lời sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây.

Sự phát triển thai nhi tuần 22 như thế nào?

Ở tuần thai kỳ thứ 22, thai nhi có sự tăng trưởng đáng kể về kích thước và trọng lượng cơ thể. Sự thay đổi lớn nhất ở tuần thai kỳ này tập trung ở các giác quan và bộ phận sinh dục của bé.

  • Chỉ số siêu âm thai 22 tuần

Thai nhi 22 tuần phát triển bình thường sẽ có các chỉ số siêu âm trung bình đạt chuẩn như sau:

– Cân nặng: khoảng 430g.

– Chiều dài đầu đến chân (CRL): 27.8mm

– Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 55mm.

– Chiều dài xương đùi (FL): 39mm.

– Chu vi đầu (AC): 198mm.

– Chu vi vòng bụng: 175mm.

  • Sự hoạt động của các dây thần kinh

Thai nhi 22 tuần tuổi đã có thể cảm nhận được môi trường bên trong và ngoài cơ thể mẹ thông qua các cơ quan giác quan. Điều này là do ở tuần thai kỳ này, các dây thần kinh của bé đã hoạt động. Não bộ của bé đã nhận được tín hiệu mệnh lệnh từ dây thần kinh ở các cơ quan trong cơ thể bé.

Ngay từ tuần thai kỳ này, thai nhi đã hình thành các cảm giác vui, buồn, hồi hộp, biết nghe và ngửi rồi đấy mẹ nhé. Thị giác của bé đã có thể cảm nhận được ánh sáng, tuy nhiên mắt bé vẫn nhắm mi chứ chưa có cử động mở mí mắt.

  • Cơ quan sinh dục của bé phát triển

Tuần thứ 22 của thai kỳ mẹ sẽ chứng kiến sự thay đổi và phát triển gần như hoàn thiện ở bộ phận sinh dục của thai nhi. Tinh hoàn của bé trai đã bắt đầu hạ xuống phần biu. Với các bé gái, âm đạo, tử cung và cả buồng trứng đều di chuyển đúng vị trí giải phẫu cơ thể con người.

  • Sự phát triển các bộ phận trên cơ thể

Cơ thể bé đang dần hoàn thiện các cơ quan và bộ phận để chuẩn bị cho thế giới bên ngoài. Các mạch máu ở phổi phát triển ngày càng dày đặc hơn. Làn da của bé đã dày dặn hơn, lớp mỡ dưới ra được hình thành để bảo vệ cơ thể bé. Lông mi, tóc, lông mày cũng trở nên rõ ràng hơn nhiều so với tuần trước đó.

Quan sát sự phát triển thai nhi tuần 22 qua siêu âm, mẹ có thể dễ dàng nhận ra một lớp lông tơ bao phủ cơ thể bé. Lớp lông này có tác dụng bảo vệ lớp da của bé khỏi các tác động bên ngoài. Lớp lông này sẽ sớm biến mất khi bé chuẩn bị chào đời.

Ở tuần tuổi thứ 22, chân tay của bé đã phát triển hoàn thiện hơn. Vì vậy những cử động của bé trong bụng cũng mạnh và rõ ràng hơn. Mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được bé con đang uốn mình, đạp chân, quẫy, nấc cụt trong bụng… Thật tuyệt vời phải không nào?

Mẹ bầu mang thai 22 tuần nên ăn gì, làm gì để thai kỳ khỏe mạnh?

Tuần thứ 22 là tuần phát triển mạnh mẽ của con. Bé cần rất nhiều năng lượng để có thể phát triển toàn diện. Vì vậy, chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày vẫn là vấn đề mà mẹ cần chú ý nhiều nhất.

  • Thai nhi 22 tuần tuổi mẹ bầu nên ăn gì?

Một chế độ ăn đầy đủ vitamin và dưỡng chất vẫn là ưu tiên hàng đầu trong thời gian này. Các chất dinh dưỡng mẹ cần bổ sung bao gồm: axit folic, axit béo omega-3, sắt, chất xơ, chất đạm và các khoáng chất khác,… Tuy nhiên, trong thực đơn mẹ cần hạn chế một số thực phẩm sau:

Hải sản giúp cung cấp protein, sắt và axit béo omega-3 rất tốt cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên, một số loại cá như cá thu, cá kiếm,… có thể chứa một lượng thủy ngân có hại cho sức khỏe. Mẹ nên hạn chế sử dụng các thực phẩm này.

Thực phẩm dành cho mẹ bầu cần được nấu chín và sử dụng khi còn nóng. Mẹ nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, do các loại thực phẩm này thường chứa khá nhiều chất hóa học không tốt cho cơ thể.

  • Vận động nhẹ nhàng tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi

Ở tuần thứ 22, bụng mẹ đã khá lớn và khiến việc đi lại, vận động trở nên khó khăn hơn. Nhưng đừng vì thế mà bỏ quên công việc rất quan trọng nhé. Hãy vận động nhẹ nhàng, vừa sức để giúp tuần hoàn máu lưu thông và bài tiết được tốt hơn.

Mẹ có thể luyện tập yoga tiền sản hoặc đi bộ nhẹ nhàng trong nhà hay nơi làm việc. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu khác thường nào như: mệt mỏi quá sức, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, mẹ phải dừng vận động để nghỉ ngơi nhé!

  • Mẹ bầu nên duy trì trạng thái tích cực mỗi ngày

Một đặc điểm quan trọng trong sự phát triển thai nhi tuần 22 là bé đã có thể cảm nhận được mọi cảm xúc cũng như âm thanh trò chuyện từ mẹ. Vì vậy, trong thời gian này, mẹ bầu nên duy trì trạng thái cảm xúc tích cực, thoải mái, dễ chịu.

Tuần thai thứ 22 có lẽ là tuần cuối cùng để mẹ có thể nghỉ ngơi, thư giãn. Sang đến tuần sau, sự phát triển của con có thể khiến cơ thể mẹ nặng nề hơn, mệt mỏi hơn nhiều. Vì vậy mẹ nên tranh thủ nghỉ ngơi trong thời gian này nhé!

Thai 22 tuần tuổi cần làm những xét nghiệm gì?

Khi thai 22 tuần tuổi là đã ở những tuần giữa trong tháng thứ 6 của thai kỳ. Nếu ở một vài tuần trước mẹ bầu chưa khám thai, thì ở tuần này nên thực hiện một số xét nghiệm cần thiết sau:

  • Siêu âm

Thai 22 tuần tuổi là thời điểm vàng mẹ bầu nên tiến hành siêu âm 3D, 4D để khảo sát, sớm phát hiện các dị tật ở thai nhi.

Sự phát triển bất thường của thai nhi khi được phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ và cả gia đình bạn chủ động hơn trong việc xử lý các tình huống có thể xảy ra với bé. Một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể tiên lượng và chỉ định dừng thai khi siêu âm có kết quả xấu ở tuần thai kỳ này.

  • Xét nghiệm triple test

Xét nghiệm triple test giúp tầm soát dị tật thai nhi. Loại xét nghiệm sinh hóa này thường được thực hiện ở tuần thứ 22 của thai kỳ.

Kết quả xét nghiệm sẽ giúp đánh giá được nguy cơ dị tật ở thai nhi là cao hay thấp, từ đó làm căn cứ đưa ra các định hướng xử trí cần thiết.

  • Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu khi thai nhi được 22 tuần tuổi có thể giúp phát hiện hội chứng down hay các loại virus có nguy cơ lây từ mẹ sang con như: virus viêm gan B, virus HIV, rubella…

  • Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai 22 tuần sẽ biết được cơ thể mẹ bầu có đang bị dư thừa lượng chất đạm hay chất đường hay không. Việc thừa đường cho thấy mẹ bầu có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Chất đạm dư thừa ở tuần thai kỳ này là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc chứng tiền sản giật khá nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi.

Những chia sẻ về sự phát triển thai nhi tuần 22 hi vọng là nguồn kiến thức hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Chúc bạn và bé có một thai kỳ khỏe mạnh.