X

Sự phát triển thai nhi tuần 21

Cơ thể bé trong tuần thứ 21 này đã cứng cáp và hoàn thiện hơn. Chắc hẳn mẹ bầu đang rất tò mò về những thay đổi của con yêu trong tuần thai kỳ này phải không nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về sự phát triển thai nhi tuần 21 trong bài viết sau nhé!

Thai nhi 21 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Trong tuần 21, cơ thể bé tiếp tục có sự tăng trưởng đáng kể về chiều dài và cân nặng. Các cơ quan trong cơ thể và giác quan của bé cũng có sự phát triển hoàn thiện không ngừng.

  • Chỉ số thai 21 tuần tuổi

Mẹ bầu có thể tham khảo các chỉ số đạt chuẩn trung bình khi thai nhi 21 tuần tuổi sau đây để biết bé yêu của mình có khỏe mạnh và phát triển bình thường không nhé!

– CRL – chiều dài từ đầu đến chân: trung bình 26.7mm.

– BPD – đường kính lưỡng đỉnh: trung bình 52mm.

– FL – chiều dài xương đùi: trung bình 36mm.

– HC – chu vi đầu: trung bình 187mm.

– AC – chu vi vùng bụng: trung bình 164mm.

  • Sự phát triển về cơ quan và giác quan của thai nhi 21 tuần tuổi

Vào tuần thai thứ 21, các chồi răng đầu tiên đã bắt đầu hình thành trong khoang miệng của thai nhi. Bên cạnh đó, khuôn mặt bé đã hoàn thiện trông giống hình hài trẻ sơ sinh.

Thị giác của bé phát triển mạnh mẽ hơn các tuần thai trước rất nhiều. Bé đã bắt đầu nhận diện và phản ứng với ánh sáng, mặc dù mắt bé vẫn chưa mở. Cơ quan thính giác của bé đã có thể nghe, thậm chí là cảm nhận được tâm trạng, cảm xúc của mẹ.

Bên trong cơ thể bé, hệ thống dây thần kinh vẫn tiếp tục phát triển, hoàn thiện những cấu trúc phức tạp hơn. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự phát triển của tuyến tụy, tạo ra nhiều nội tiết tố quan trọng trong cơ thể bé. Hệ tiêu hóa với các chức năng gần như hoàn thiện. Lượng phân su của bé tăng lên đáng kể trong giai đoạn này.

  • Thai nhi 21 tuần tuổi đạp nhiều hơn

Khi bước sang tuần 21 của thai kỳ, hệ xương sụn trong cơ thể bé đã cứng cáp hơn rất nhiều. Bé cũng thường xuyên vận động nhiều hơn trong tử cung của mẹ. Việc thai nhi 21 tuần tuổi đạp nhiều là chuyện hết sức bình thường. Mẹ có thể dễ dàng cảm nhận được những cú đạp, huých hay trở người của bé.

Phụ nữ mang thai 21 tuần có những thay đổi gì?

Cùng với sự phát triển của con, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi quan trọng. Một số thay đổi thường gặp ở phụ nữ khi mang thai 21 tuần tuổi như:

  • Mẹ bầu bị chuột rút

Trong khoảng thời gian này, mẹ bầu có thể phải đối mặt thường xuyên với tình trạng chuột rút ở bắp chân. Nguyên nhân là do hệ thống dây chằng và cơ tại khu vực bụng, lưng phải chịu áp lực đỡ bào thai. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cơ xương của toàn bộ cơ thể.

Chứng chuột rút cũng có thể xảy ra do mẹ thiếu canxi, magie hoặc muối trong chế độ ăn của mình. Mẹ hãy cân nhắc lại khẩu phần ăn mỗi ngày nhé. Nếu bị chuột rút, mẹ hãy nhờ người vuốt ngược từ ngón chân về phía ống chân.

  • Mẹ bầu dễ bị đau đầu

Đau đầu cũng là một điều rất khó chịu đối với phụ nữ mang thai tuần 21.

Nguyên nhân là do hormone thai sản hoạt động mạnh trong thời kỳ này. Mẹ hãy thường xuyên nghỉ ngơi để giảm thiểu những cơn đau đầu này nhé.

  • Tiết nhiều dịch âm đạo

Trong thời gian này, dịch âm đạo của mẹ cũng tiết ra nhiều hơn hẳn so với thời gian trước đó. Vì thế mà khá nhiều phụ nữ cần dùng đến băng vệ sinh hằng ngày. Tuy nhiên, sử dụng băng vệ sinh có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu khác thường nào, mẹ cần đến ngay bác sĩ để được thăm khám.

  • Rạn da

Khi thai nhi 21 tuần đồng nghĩa với việc mẹ bầu đã bước sang tháng thứ 6 của thai kỳ. Lúc này phù hợp với sự phát triển của thai nhi, kích thước vòng bụng của thai phụ cũng tăng nhanh. Đây chính là nguyên nhân gây rạn da ở giai đoạn mang thai này.

Tình trạng rạn da không chỉ xuất hiện ở vùng bụng mà nó có thể xảy ra ở vùng mông, đùi thậm chí cả vùng hông và ngực.

Lúc này, da của mẹ có xu hướng tiết nhiều dầu hơn. Một số mẹ bầu vì thế có thể bị nám sạm da, tone da có thể bị tối hơn một cách đáng kể. Lúc này mẹ bầu nên quan tâm và lưu ý hơn đến việc chống nắng để bảo vệ làn da của mình nhé!

Thai 21 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg là hợp lý?

Kiểm soát cân nặng trong thai kỳ là điều hết sức cần thiết. Chỉ số cân nặng của mẹ bầu tăng quá nhanh hay quá chậm đều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, nó là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến an toàn của thai phụ khi sinh con.

Ở những tháng đầu của thai kỳ, cân nặng của mẹ bầu tăng rất ít hoặc không tăng cân. Tuy nhiên, tuần 21 của thai kỳ đã là tam cá nguyệt thứ 2 và là tháng thứ 6 của thai kỳ. Việc tăng cân là hết sức cần thiết, nó là dấu hiệu trên cơ thể mẹ chứng tỏ sự phát triển bình thường của thai nhi.

Giai đoạn thai nhi được 6 tháng tuổi, mẹ bầu cần tăng cân nặng từ 1.6 – 2.2 kg/tháng, trung bình tăng khoảng 0.4kg/tuần. Tùy thuộc vào tình hình thể trạng của mẹ bầu, mức tăng cân có thể có sự khác biệt đối với từng mẹ bầu. Để có một con số ước lượng hợp lý, tốt hơn hết mẹ bầu nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ sản phụ khoa.

Lời khuyên cho mẹ bầu khi mang thai 21 tuần

Tham khảo những lời khuyên hữu ích sẽ giúp cho bé yêu của bạn phát triển toàn diện ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

  • Mẹ nên trò chuyện với bé yêu nhiều hơn

Theo nhiều chuyên gia, việc trò chuyện với con hằng ngày có thể kích thích sự phát triển của não bộ, giúp con thông minh hơn, khỏe mạnh hơn. Quan trọng hơn là bé có thể cảm nhận được sự chào đón và tình yêu thương mà bố mẹ dành cho mình. Đây chính là nền tảng quan trọng để gắn kết gia đình sau khi bé chào đời.

Cách mẹ nói chuyện với bé cũng sẽ định hình tính cách của bé sau này. Các bà mẹ mang bầu lần đầu có thể gặp chút bối rối khi nói chuyện với con. Nếu vậy, bạn có thể cho bé nghe nhạc, đọc các câu chuyện cổ tích, hát các bài hát đồng dao cho con nghe,… Sau đó có lẽ bạn sẽ sẵn sàng hơn để thủ thỉ với con yêu đấy.

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu dưỡng chất một cách khoa học

Thai 21 tuần nên ăn gì để tốt cho cả mẹ và bé vẫn là vấn đề mẹ cần quan tâm nhất. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên tắc dinh dưỡng khi mang thai cần đảm bảo chế độ ăn uống khoa học và giàu dưỡng chất.

Thay vì ăn 3 bữa chính trong ngày, mẹ bầu nên chia nhỏ thành 3 bữa chính và 3 bữa ăn nhẹ để giảm áp lực cho hệ tiêu hóa khi mà thai nhi đã phát triển lớn hơn ở tuần thứ 21 của thai kỳ.

Ở tuần này của thai kỳ, mẹ bầu nên hạn chế các món đồ ăn vặt như bánh kẹo ngọt. Nên thay vào đó là các loại trái cây tốt như: táo, lê, hạt óc chó… Đừng quên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, vitamin nhóm B, sắt, canxi, acid folic, omega 3…

Thức uống tốt cho bà bầu mang thai tháng thứ 6 như sữa không béo, nước dừa cũng cần được bổ sung với lượng hợp lý.

  • Nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng

Bước sang tuần thứ 21 của thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có thể sẽ mệt mỏi hơn do thai phát triển nhanh. Áp lực lên vùng xương chậu gia tăng, việc đi lại của mẹ bầu cũng khó khăn hơn đôi chút so với các tuần trước đó.

Vì vậy, ở giai đoạn này mẹ bầu cần nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc nặng, làm việc quá sức. Nên giữ cho tâm trạng thoải mái và thư giãn nhất có thể. Việc vận động đi lại nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe là điều mẹ bầu nên lưu tâm.

Tuần thai thứ 21 quả là một tuần kỳ diệu cho cả mẹ và bé phải không nào? Hy vọng bài viết về sự phát triển thai nhi tuần 21 đã đem đến những kiến thức bổ ích cho mẹ nhé. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ thật khỏe mạnh!