X

Sự phát triển thai nhi tuần 36

Sự phát triển thai nhi tuần 36 và những thay đổi của cơ thể mẹ ở tuần thai kỳ này có gì đặc biệt. Mẹ bầu cần làm gì để đảm bảo sức khỏe cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất cho ngày sinh nở sắp tới. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây của chúng tôi.

Thai nhi 36 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Ở tuần thai thứ 36, bé yêu lúc này đã có chiều dài khoảng 47,4cm và cân nặng khoảng 2813g Với kích thước này, tử cung của mẹ dường như đã khá chật chội với bé. Đây cũng chính là lý do vì sao mẹ bầu nhận thấy bé chuyển động ít hơn trong thời gian này. 

Chỉ số thai nhi 36 tuần tuổi đã tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với vài tuần trước đó. Lúc này, thai nhi gần như đã sẵn sàng cho việc chào đời. Một số thay đổi đáng kể bên trong và ngoài cơ thể bé nhỏ của thai nhi phải kể đến như:

  • Lớp bã nhờn bên ngoài da bé biến mất

Lớp bã nhờn màu trắng bao phủ bên ngoài cơ thể bé gần như sẽ biến mất hoàn toàn trong tuần thai kỳ này. Lớp mỡ dưới da bé đã được hình thành từ các tuần trước đó nay phát triển nhanh chóng. Bé trở nên mập mạp và mũm mĩm hơn, da bé hồng hào và mịn màng, ra dáng của một em bé sơ sinh thực sự. 

  • Hệ tiêu hóa đã hình thành nhưng chưa hoạt động

Thai nhi 36 tuần tuổi đã hình thành hệ tiêu hóa trong cơ thể nhưng nó chưa hoạt động. Sẽ mất khoảng một thời gian nữa để hệ tiêu hóa hoàn thiện đầy đủ các chức năng như người trường thành.

  • Thai nhi 36 tuần tuổi đã quay đầu

Thai nhi tuần 36 đã di chuyển dần xuống vùng xương chậu và ống dẫn sinh. Thông thường, bé sẽ ở vị trí thuận ngôi, đầu bé ở tư thế quay đầu ra hướng âm hộ. Đây là vị trí thuận tiện nhất cho việc sinh đẻ của mẹ bầu. Nếu siêu âm cho kết quả ngược ngôi vào tuần thai này, mẹ cần thực hiện theo đúng những hướng dẫn từ bác sĩ.

  • Thính giác bé trở nên nhạy bén

Nhiều nghiên cứu cho thấy, thai nhi có thể cảm nhận và nghe được tiếng nói thân thuộc của mẹ ngay từ khi còn chưa ra đời. Tuần thứ 36 của thai kỳ cũng là giai đoạn mà thính giác của bé trở nên nhạy bén hơn bao giờ hết. Bé có thể nghe được thậm chí phản xạ lại với các âm thanh từ thế giới bên ngoài.

Những thay đổi cơ thể ở cơ thể mẹ bầu ở tuần thai kỳ thứ 36

Cùng với sự phát triển thai nhi tuần 36, cơ thể mẹ cũng có rất nhiều thay đổi mà mẹ cần chú ý. Thời gian này các triệu chứng khi mang thai những tuần cuối ngày càng trở nên khó chịu hơn nữa.

  • Mẹ bị mất ngủ nhiều hơn

Nguyên nhân chứng mất ngủ là do bàng quang bị chèn ép khiến mẹ phải tiểu đêm thường xuyên. Ngoài ra, thai nhi ngày càng lớn dần trong bụng mẹ khiến tư thế nằm của mẹ không được thực sự thoải mái. Chưa kể đến rất nhiều mẹ bầu mang tâm lý lo lắng, sợ hãi khiến tình trạng mất ngủ càng kéo dài và tồi tệ hơn.

  • Đi lại khó khăn

Tình trạng “tụt bụng” do thai nhi đã quay đầu về phía khung xương chậu khiến việc di chuyển và đi lại của mẹ gặp thêm nhiều khó khăn. Lúc này, mẹ bầu hãy dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và dưỡng sức.

  • Giảm ợ nóng và đầy hơi

Một tin mừng cho mẹ là trong tuần này, các triệu chứng như đầy hơi, ợ nóng, khó tiêu, táo bón,… đã được giảm bớt giúp mẹ thoải mái hơn một chút. Mẹ bầu tràn đầy năng lượng để sẵn sàng cho ngày sinh nở, tâm lý thay đổi để thích ứng với bản năng làm mẹ.

  • Xuất hiện các cơn chuyển dạ thường xuyên

Các cơn gò Braxton-Hicks đã xuất hiện trong các tuần trước đó nay lại thường xuyên hơn. Mặc dù không đau đớn và không nguy hại nhưng điều này có thể khiến các chị em thêm phần khó chịu.

  • Cơ thể bị phù nề

Phù nề tay chân không phải là hiện tượng hiếm gặp trên cơ thể thai phụ ở những tuần cuối trong thai kỳ. Một số mẹ bầu có thể còn bị phù nề cả vùng mặt do cơ thể tích nhiều nước cũng như lượng natri dư thừa.Để giảm sưng và phù nề, mẹ bầu nên bổ sung đủ nước mỗi ngày.

Mẹ nên làm gì khi mang thai 36 tuần tuổi

Tuần thai thứ 36 là thời điểm mẹ bắt đầu làm hồ sơ sinh tại bệnh viện. Giai đoạn cuối này rất quan trọng nên lịch thăm khám với bác sĩ cũng sẽ dày đặc hơn, ít nhất mỗi tuần mỗi lần. Nhờ đó có thể theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của thai nhi cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu sinh nở bất thường.

Vào thời điểm này, mẹ bầu cũng bắt đầu nghỉ làm để chuẩn bị sinh nở. Bà bầu cần nhiều thời gian nghỉ ngơi thư giãn hơn. Mặt khác, những khó khăn khi mang thai tháng cuối cũng khiến bạn không thể tập trung làm việc được nữa.

Đây cũng là thời điểm mẹ cần chuẩn bị mọi đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh . Hãy sắp xếp lại nhà cửa, phòng ở thật sạch sẽ, gọn gàng để chào đón thành viên mới của gia đình. Ngoài ra, trong thời gian này, mẹ cũng cần trang bị thêm các kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh và sức khỏe của mẹ sau sinh.

Thai nhi 36 tuần đã ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Ngay lúc này, bé yêu có thể chào đời bất cứ lúc nào mà không hề báo trước. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé, cùng sự chuẩn bị chủ động nhất để đón bé yêu chào đời, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và khoa học

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất vẫn là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo cho sự phát triển thai nhi tuần 36 được tốt nhất. Các thực phẩm được ưu tiên là nhóm thực phẩm giàu chất đạm, omega 3, vitamin B6…

Ở tuần thai kỳ này, mẹ bầu nên ăn uống một cách khoa học, chia nhỏ các bữa ăn. Tốt hơn hết, mẹ bầu không nên ăn quá nhiều thực phẩm cùng lúc. Việc bồi bổ quá nhiều đồ ăn không hề tốt cho thai phụ cũng như em bé trong suốt thai kỳ. 

  • Trò chuyện cùng bé

Mẹ nên dành thời gian nhiều hơn để trò chuyện, tâm sự hoặc bật nhạc, đọc sách cho con nghe. Chúng vừa giúp mẹ giải tỏa stress, vừa kích thích sự phát triển não bộ ở trẻ.

  • Lắng nghe cơ thể

Hãy chú ý đến những thay đổi trên cơ thể của mình để phát hiện sớm những dấu hiệu báo sinh. Đừng quên báo cho người thân về việc sắp đến ngày sinh để có sự chuẩn bị chu đáo nhất trong ngày đón bé yêu chào đời.

  • Thăm khám bác sĩ

Nếu một vài tuần trước đó mẹ bầu chưa đi khám thai thì nên lên lịch và tiến hành khám thai ở tuần thai kỳ thứ 36 này. 

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần chuẩn bị các vật dụng cần thiết cũng như tâm sinh lý tốt nhất cho ngày chuyển dạ sắp đến.

Như vậy là chúng ta đã có được những hiểu biết cơ bản về sự phát triển thai nhi tuần 36 và những công việc mẹ cần làm trong thời gian này. Hy vọng bài viết đã giúp mẹ bầu có thêm kiến thức hữu ích nhất để sẵn sàng cho ngày sinh nở.